Ly Ly có một cô con gái 3 tuổi tên là Điềm Điềm vừa đi học mẫu giáo năm nay. Một ngày nọ, Ly Ly tới đón con tan học nhưng cô bé vừa nhìn thấy mẹ đã òa khóc. Ly Ly bị sốc, nhanh chóng bước tới để hỏi xem Điềm Điềm gặp chuyện gì. Sau một hồi dỗ dành, cô bé 3 tuổi mới hỏi mẹ bằng giọng điệu ủ dột: “Ngày mai con có thể không tới trường được không?”.
Những biểu hiện quá rõ ràng, Ly Ly tin chắc con gái đang gặp vấn đề gì đó ở lớp. Bởi Điềm Điềm dù mới đi học gần đây, thế nhưng cô bé thích nghi khá nhanh. Ly Ly vẫn nhẹ nhàng dỗ dành con gái để hỏi ra nguyên nhân. Sau 1 hồi nức nở, Điềm Điềm mới bảo mẹ: “Một bạn cùng lớp luôn muốn đánh con. Hôm nay bạn ấy cũng lấy đồ chơi và đánh vào đầu con. Mẹ ơi, con bị đánh có thể đánh trả không?”
Ly Ly cảm thấy thực sự bối rối. Cô vừa đau khổ, vừa khó xử. Trước giờ, cô luôn coi trọng việc giáo dục con cái. Và với Điềm Điềm, Ly Ly luôn dặn dò con trước lúc đi học là không được tranh cướp đồ chơi, đồ ăn của các bạn, rồi đánh nhau là không tốt, không được bắt nạt các bạn nhỏ hơn. Thế nhưng, Ly Ly đâu có ngờ có ngày con gái mình lại chính là nạn nhân ở lớp học!
Ly Ly chỉ mốn bật khóc, nhưng cô cố gắng bình tĩnh, suy nghĩ 1 hồi rồi trả lời con rất nghiêm túc: “Con gái, con có chắc mình sẽ đánh lại bạn học không? Hay là con sẽ bị bạn đánh thêm và chính con lại bị đau? Điều mẹ muốn con ghi nhớ là: Đánh trả không phải cách tốt để giải quyết vấn đề, khiến bạn ngừng bắt nạt con đâu. Mẹ cũng không muốn con phải nhịn. Lần sau bạn đánh con, con hãy trực tiếp báo với cô giáo nhé!”
Sau khi chia sẻ câu chuyện này lên MXH, rất nhiều bậc phụ huynh thích thú với câu trả lời của Ly Ly. Rõ ràng, đây là một lời giải đáp rất thông minh. Người mẹ này không đồng tình việc con đánh bạn, cũng không thể chấp nhận việc con bị đánh. Vậy việc nhờ tới sự hỗ trợ của người lớn là hợp lý. Chưa kể, cũng sau việc đó, Ly Ly đã hướng dẫn con một số cách tự vệ và đặc biệt xây dựng thái độ tự tin trước kẻ bắt nạt.
Trong quá trình trẻ đi học, tham gia các hoạt động ngoài xã hội, việc chúng bị bắt nạt hoặc đi bắt nạt có thể xảy ra. Một số cha mẹ sẽ dạy con nhẫn nhịn hoặc luôn xem nhẹ vấn đề, điều này thật sự không tốt. Lâu dài, đứa trẻ sẽ ức chế tâm lý, xói mòn sự tự tin và có tâm lý nhút nhát, không biết tự bảo vệ mình. Ngược lại, một số cha mẹ thì dạy con hãy đánh trả bất cứ ai bắt nạt mình. Bạo lực chưa bao giờ là cách tốt để giải quyết vấn đề. Rất có thể, nó sẽ khiến sự căng thẳng trong mối quan hệ càng tăng và khiến trẻ bị rơi vào thế cô lập.
Vậy cha mẹ nên làm gì khi con cái bị bắt nạt?
1. Lắng nghe, không chỉ trích, không đổ lỗi
2. Dạy trẻ cách bảo vệ quyền lợi của mình
Ví dụ 1 tình huống thường xảy ra trong thực tế: Cha mẹ đưa con nhỏ tới khu vui chơi. Tại đây, con đang cầm con búp bê thì bị 1 bạn khác ra giật. Lúc này, thay vì giành lại thật mạnh hoặc bật khóc chạy ra ôm mẹ, bạn hãy dạy con lịch sự đáp trả: “Tôi lấy trước, tôi chơi trước, sau đó sẽ đến lượt bạn chơi”.
3. Thiết lập sự tự tin của trẻ
Trẻ em bị bắt nạt trong khuôn viên trường, hầu hết là vì tính cách nhút nhát, xấu hổ… hoặc đôi khi vì ngoại hình bé nhỏ hay tính cách quá khác biệt. Chính vì thế, ngay từ nhỏ, cha mẹ cần phải rèn luyện cho con có sự tự tin, dám nói dám làm và dám bảo vệ bản thân.
Đặc biệt, cha mẹ hãy cho trẻ luyện tập tư thế khi đối diện với kẻ bắt nạt: ưỡn thẳng ngực, hai vai kéo ra phía sau, hai tay đặt vuông góc hai bên cơ thể. Tuyệt đối không cầu xin, không giận dữ, không sợ hãi, không thể hiện vẻ đau đớn trước mặt kẻ bắt nạt.
Đặc biệt, cha mẹ đừng cố gắng can thiệp vào vấn đề của trẻ. Thay vì tới tận lớp “dằn mặt” đứa trẻ đã bắt nạt con mình thì chỉ nên ý kiến với phụ huynh và giáo viên phụ trách lớp. Còn vấn đề giữa những đứa trẻ, hãy để chúng tự giải quyết; cha mẹ chỉ là người bên cạnh hướng dẫn, động viên tinh thần cho con. Điều này không chỉ tốt cho sự trưởng thành của con mà còn tốt hơn trong tình huống con bị bắt nạt.